Nội Dung
Quảng Ninh – Cầu nối xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc
Nhapkhautrungquoc – Với vị trí địa kinh tế thuận lợi, Quảng Ninh đã và đang là cầu nối, là “cửa ngõ” trong hoạt động xuất nhập hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tại Hội nghị Kết nối xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc do UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, với vị trí địa kinh tế, Quảng Ninh đã và đang là cầu nối không chỉ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc, mà còn là trung tâm của hành lang Bắc – Nam trong hợp tác tiểu vùng MeKong mở rộng.
Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua liên tục tăng ở mức cao. Trong 10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh đạt 3.235,9 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản “gặp khó”
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống lâu đời. Việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia kể từ năm 2008 đến nay đã trở thành động lực cho sự hợp tác toàn diện, đặc biệt là quan hệ hợp tác về lĩnh vực kinh tế thương mại. Từ năm 2004 trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Quốc Toản, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm gần đây đạt trên 20%/năm, đặc biệt năm 2017 kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 93,7 tỷ USD, năm 2018 đạt trên 108 tỷ USD (trong đó, XK đạt hơn 41 tỷ USD, tăng gần 17%; NK đạt trên 65 tỷ USD, tăng gần 12%).
Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn với dân số 1,4 tỷ người. Việt Nam có ưu về vị trí địa lý, từ đó, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh về lĩnh vực xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc luôn đánh giá cao các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, đây là một thực tế dễ dàng nhận thấy tại các cửa khẩu lớn ở Việt Nam. Hiện, phía Trung Quốc đang tăng cường hệ thống quản lý và có những yêu cầu nhất định về tiêu chuẩn; quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc… Những điều này đã tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của nhiều doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tham tán Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Toả Cẩm cho rằng, chất lượng các giống cây ăn quả của Việt Nam chưa được ổn định, thiếu các loại nông sản có sức hút với người tiêu dùng Trung Quốc, chưa có những mặt hàng nông sản chiếm thị trường tuyệt đối. Ngoài ra, đa phần cây ăn quả được trồng theo hộ gia đình đơn lẻ, nên sản phẩm thiếu ổn định.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn và giám sát chặt chẽ những nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Giúp cung trực tiếp gặp cầu
Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng,Trung Quốc là thị trường lớn cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam, song thị trường này đang đặt ra nhiều rào cản với sản phẩm nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt tốt các điều kiện thị trường nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, từ đó chiếm lĩnh thị trường 1,4 tỷ dân.
Để tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa thương nhân trong ngành thương mại, chế biến hoa quả giữa Việt Nam – Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng, phía Việt Nam cần nỗ lực cải tiến kỹ thuật sản xuất và mô hình sản xuất nông sản, nghiên cứu xu thế phát triển sản phẩm của thị trường, nhanh chóng đào thải các loại nông sản kém chất lượng, cung vượt cầu, phát triển các giống loài mới có chất lượng cao và nỗ lực trong việc quảng bá, ra mắt những sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu dùng.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc như: Năng lực sản xuất, xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực; các thỏa thuận hợp tác về quy định ATTP và kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc; một số quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc; vấn đề xây dựng cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) tham gia chuỗi cung ứng hàng nông, lâm sản; vấn đề phát triển dịch vụ Logistic, khâu gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc).
Đồng thời, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu nông sản nói riêng cần sớm điều chỉnh cơ cấu, nâng cấp chất lượng sản phẩm. Việt Nam đã và đang khuyến khích hỗ trợ việc trồng quy mô hóa và tiêu chuẩn hóa, sản xuất ra các sản phẩm nông sản có khả năng cạnh tranh quốc tế, nỗ lực tạo ra điều kiện giảm bớt các khâu trung gian, bắc cầu nối cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, giúp cho cung trực tiếp gặp cầu giảm chi phí giao dịch.
Đối với Quảng Ninh, tỉnh đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc, trong đó có một lượng lớn là hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Nhằm thúc đẩy hoạt động biên mậu, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, như quan tâm đầu tư các nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống cửa khẩu quốc gia, quốc tế…
Song song với đó, Quảng Ninh cũng khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nông dân trong tỉnh tuân thủ tiêu chuẩn của các ngành hàng. Khi các nhà sản xuất làm theo tiêu chuẩn, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc và thị trường quốc tế sẽ thuận lợi hơn.
Theo BaoQuangNinh