Nội Dung
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết tháng 11/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn đạt con số rất lớn với 117,6 tỷ USD, tăng hơn 12,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Mức thâm hụt cán cân thương mại vẫn khá lớn, âm 31,6 tỷ USD, tăng 600 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Đây là loại hàng mà Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc và có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân chính bởi hầu hết các loại thiết bị điện tử, linh kiện mà Việt Nam nhập về phục vụ trong nước đều ở Trung Quốc như Apple, Sony, Dell, HP hay Asus…Một điều dễ nhận ra là, hàng loạt các mặt hàng tỷ USD mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao hoặc rất cao. Trong đó, loại hàng hóa là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 16,4 tỷ USD, tăng hơn 5,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với việc tăng giá trị nhập khẩu lên đến trên 5 tỷ USD sau một năm cho thấy sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc của các nhà nhập khẩu, thương nhân kinh doanh và cả doanh nghiệp tại Việt Nam là khá lớn.
Đáng chú ý, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện về Việt Nam năm nay đã tăng rất mạnh so với năm 2019 khoảng 10,4 tỷ USD, từ 47 tỷ USD năm 2019 lên 57,5 tỷ USD năm 2020.
Việc các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử về Việt Nam tăng về cả giá trị và số lượng trong thời gian gần đây cho thấy, nhu cầu mua sắm và sử dụng các thiết bị máy móc, công nghệ ngày càng nhiều của người dân Việt Nam. Thị trường với sức mua của 100 triệu dân trong hiện tại và tương lai là miếng bánh thị phần béo bở dành cho các thương nhân lớn.
Bên cạnh đó, các loại thiết bị và linh kiện điện tử được nhập về Việt Nam nhiều hơn cho thấy các doanh nghiệp, sản xuất, lắp ráp thiết bị vi tính, đồ điện tử, công nghệ đã tận dụng rất tốt lợi thế của Việt Nam như nền kinh tế hướng mở, chú trọng xuất khẩu, lao động giá rẻ…
Một mặt hàng thứ 2 mà Việt Nam nhập lượng lớn, giá trị kim ngạch cao là các loại máy móc, phụ tùng. Tính đến hết tháng 11 năm 2020, giá trị nhập khẩu mặt hàng máy móc, phụ tùng từ Trung Quốc đã đạt 15 tỷ USD, tăng hơn 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Một sản phẩm khác là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, hết tháng 11/2020, Việt Nam đã chi hơn 4,2 tỷ USD loại hàng này ở Trung Quốc, tăng hơn 400 triệu so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập loại hàng này từ Trung Quốc chiếm gần 50% so với tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép, sản phẩm sắt thép của Việt Nam từ tất cả các thị trường khác cộng lại.
Ngoài các sản phẩm, hàng hóa nhập về Việt Nam có kim ngạch lớn, tăng mạnh, nhiều loại hàng hóa cũng có giá trị nhập khẩu cao và duy trì. Cụ thể, theo thống kê, hết tháng 11/2020, Việt Nam vẫn chi khoảng 2,2 tỷ USD nhập nguyên liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc, bằng với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng khác là vải – nguyên liệu phục vụ cho ngành xuất khẩu hàng may mặc có quy mô lớn – 11 tháng của năm 2020, Việt Nam vẫn nhập hơn 6,5 tỷ USD, giảm 900 triệu so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện trong các quan hệ thương mại với các nước đối tác lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc, trong đó thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn gia tăng do Việt Nam nhập nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, lắp ráp.
Các thị trường khác như Hàn Quốc, Việt Nam thâm hụt thương mại, Việt Nam chủ yếu thâm hụt theo chuỗi, quán tính từ doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư và thực hiện các hợp đồng thương mại theo chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị với doanh nghiệp bản địa.
Trong khi đó, với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã cân bằng giá trị xuất nhập khẩu, còn đối với Mỹ và EU, Việt Nam vẫn đang xuất siêu do lợi thế về hàng hóa và cơ cấu hàng xuất nhập khẩu có sự đa dạng, không cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp nước nhập khẩu, điều này khiến cơ hội xuất khẩu cao hơn và giá trị xuất khẩu luôn lớn hơn.