Việt Nam nhập khẩu, xuất khẩu gì từ thị trường Trung Quốc?

Việt Nam nhập khẩu, xuất khẩu gì từ thị trường Trung Quốc?

Việt Nam nhập khẩu, xuất khẩu gì từ thị trường Trung Quốc?

Nhapkhautrungquoc – Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng phải chi nhiều tỷ USD để nhập hàng hóa nguyên liệu, máy móc từ nước này.

Thị trường Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD (tăng 22,0% so với năm 2012) trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 7,0% so với năm 2012.

Việt Nam nhập khẩu những gì từ Trung Quốc?

Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2013 là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 28,4%).

Phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2013, nhập khẩu nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này; tiếp theo là nhóm nguyên phụ liệu dệt may da giày chiếm 15%; nhóm điện thoại các loại và linh kiện chiếm 15%; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 12%; nhóm sắt thép các loại và sản phẩm chiếm 9%; còn lại là các nhóm hàng hóa khác.

Tính cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Cán cân thương mại của Việt Nam đối với thị trường này vẫn trong xu hướng thâm hụt lớn do sự chênh lệch về tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng đáng kể. Cụ thể như năm 2013, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 28,4% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 7,0% nên mức nhập siêu đối với thị trường này đã lên tới 23,8 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 44,5%).

Với cơ cấu này, khả năng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong các năm tới có thể vẫn ở mức cao. Tuy vậy, điều này sẽ có cơ hội chuyển biến khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vì khi đó, các nhà xuất khẩu tại Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thuế suất từ TPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước là thành viên tham gia ký kết hiệp định này, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay.

Ngoài ra, vẫn còn những cơ hội để Việt Nam có thể hưởng lợi một khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc suy giảm. Rõ rệt nhất là sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương nhưng bớt rủi ro hơn. Việt Nam là một ứng cử viên sáng giá trong kịch bản này với triển vọng gia nhập TPP trong những năm tới, trong khi Trung Quốc thì không tham gia hiệp định này.

Trên thực tế, thu hút vốn FDI ròng của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm kể từ năm 2008 trở lại đây (năm 2013 chỉ đạt 27,4 tỉ đô la Mỹ so với mức bình quân 55 tỉ đô la Mỹ của giai đoạn 2008-2012). Trong khi ở Việt Nam, dòng vốn FDI có sự khởi sắc, đặc biệt trong năm 2013 với mức tăng trưởng vốn đăng ký lên tới 54% so với cùng kỳ năm 2012. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014.

Các chuyên gia cho rằng, sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, việc phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc dự báo sẽ ngày càng lớn nếu như Việt Nam không có giải pháp cải thiện. Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhiều sản phẩm là công nghệ cũ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu…

Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản

Ở chiều xuất khẩu, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn. Theo Vụ châu Á – Thái Bình Dương, nhu cầu nông sản Trung Quốc hiện đang rất lớn. Thế nhưng, ở “trận địa” này, phía nhập cũng có nhiều thủ thuật.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nhóm hàng nông – lâm – thủy sản, chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm tỷ trọng 20,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tiếp theo là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 15,9%; nhóm hàng dệt may, giày dép các loại, chiếm gần 13,0%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, chiếm khoảng 10,0%; còn lại là các nhóm hàng hóa khác.

Ở thời điểm quý I/2014, thương lái Trung Quốc nâng giá thu mua mầm thảo quả ở xã giáp biên giới như Tùng Vài, Tà Ván và rộ nhất là tại xã Cao Mã (huyện Quản Bạ, Hà Giang). Giá thu mua mầm thảo quả đã tăng từ 16.000 đồng lên đến 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên đều đáng bàn là để thu gom 1 kg mầm thảo quả tương đương với khoảng 20 cây bị chặt mất mầm. Từ đây loại cây thảo quả – cây xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ lụi tàn.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, bình quân 3 năm gần đây chiếm tỷ trọng 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới.

Hàng ngàn xe dưa hấp ùn ứ tại Lạng Sơn.
Hàng ngàn xe dưa hấp ùn ứ tại Lạng Sơn.

Thế nhưng, Trung Quốc cũng là 1 thị trường đầy thách thức. Bản thân người nông dân, lẫn doanh nghiệp nếu không được hướng dẫn, không được định hướng rất dễ bị tổn thương. Liên tiếp giá dưa hấu rớt từ 2000 đồng/kg về 800 đồng/kg tại cổng các cửa khẩu biên giới Việt-Trung do nhu cầu tiêu thụ dưa chậm ở phía Trung Quốc đã ho thấy điều đó.

Tại sao “nhập, xuất” với Trung Quốc lớn như vậy?

Ở chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu Việt Nam đang “thất thế”. Các nông sản xuất sang Trung Quốc chỉ là nông sản thô, loại hàng “dị thường” và các nguyên liệu máy móc nhập từ Trung Quốc về cũng lỗi thời, kém chất lượng.

Nguyên nhân chính làm cho Việt Nam nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc, ngoài các yếu tố là giá cả hàng hóa rẻ thì hai nước có chung biên giới dài.

Nếu đặt tương quan so sánh 2 địa chỉ nhập hàng lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc thì thì tỷ lệ nhập hàng từ Hàn Quốc chỉ bằng phân nửa Trung Quốc. Chỉ có 17 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 100 triệu đến từ Hàn Quốc nhưng có đến 30 mặt hàng từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập siêu lớn và kéo dài từ Trung Quốc dẫn đến sản xuất trong nước bị đe dọa khi phải cạnh tranh với hàng giá rẻ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chiến lược với thị trường Trung Quốc rất quan trọng, Trung Quốc như là một nhân tố lớn chi phối sự phát triển trong khu vực và là một láng giềng của Việt Nam.

Vì vậy “vấn đề chính với thị trường Trung Quốc là xem xét lại cơ cấu hàng hóa, cách thức làm ăn với họ để tránh tình trạng chúng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và lệ thuộc quá nhiều”.

Theo GDVN

Rate this post